-->

*

Khảo cứu

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

TÔI ĐI HỌC ( phần 1 )


TÔI ĐI HỌC....

I. TIỂU HỌC NHẬP MÔN!
Thuở ấy tôi đã thấy ba má tôi đã thảo luận vấn đề gì đó mà mình là con nít không được quyền tham dự, tôi vẫn nghe loáng thoáng về một bà giáo nào đó là khách của má tôi, tôi vẫn vô tư trong tuổi nô đùa rong chơi thế mà một buổi sáng nọ, má tôi gọi tôi dậy sớm và chuẩn bị đi học!

Đi học là gì nhỉ? Tôi chỉ biết sau khi ăn sáng xong và mặc bộ đồ mới vào người, má tôi đã chở tôi bằng chiếc xe đạp đến … nhà thờ! Cạnh nhà thờ là một dãy lớp học, tôi đã thấy những đứa trẻ lạ hoắc, xe vừa dừng thì má tôi đã dắt tôi đến văn phòng làm thủ tục nhập học. Má tôi dặn:

- Con ở đây học, khi hết giờ thì má đến chở về ăn cơm, chiều còn phải học tiếp! Nhớ phải ngoan ngoãn và không được khóc nghe chưa!

Tôi hoảng sợ:

- Má ơi đừng bỏ con! Con sợ lắm má ơi!...

Má tôi nghiêm giọng:
- Lớn rồi phải đi học như các anh chị, má còn công việc ở nhà nên không ở đây được, một lát nữa má rước về!
Tôi đã muốn khóc, nhưng thấy các đứa trẻ lớn hơn nô đùa giỡn ầm ỉ làm ngã các bàn ghế nên tôi cảm thấy vui vui và đỡ sợ hãi nên vâng lời. Má tôi dẫn tôi đến một bà giáo mặc áo tràng đen quen thuộc, đó một bà giáo mà tôi đã nhận ra là khách hàng của má tôi, bà ta nói với tôi:
- Con là học trò mới, lát nữa là vào lớp năm kế bên cùng các bạn mới học chung, con gọi cô giáo là dì Út, các lớp còn lại là lớp cũ: tư, ba, nhì, nhứt, ở đây con phải gọi các cô giáo bằng “dì” hay “sơ”, lát nữa hết giờ học má con sẽ đến rước về!
Má tôi lên xe đạp chạy về, tôi nhìn theo và tự nghĩ rằng, nếu thoát được qua quốc lộ 13 là có thể trốn được về tới tiệm may nhà hoặc là tẩu thoát ngõ sau đi theo đường rầy xe lửa cũng đi bộ về được nhà ngoại, tôi rất an tâm.
Các bạn học lớn hơn vẫn tiếp tục nô đùa giởn ầm ỉ, có bạn đã leo lên bàn và chạy nhảy trốn bắt trên đó và cuộc nô đùa đã bắt đầu hổn loạn ….
Thình lình dì Út cầm quả chuông to bằng loại đeo lòng thòng ở cổ bò, dì rung chuông lên và các lớp kế bên tự động xếp hàng trước hành lang dãy lớp ….. Tôi đã kinh hoảng khi thấy dì Út cầm một chiếc roi mây to tướng chỉ vào đứa học trò đầu tiên đang đứng sắp hàng và quát lên:
- Chúa ôi …. ! Thật là mất mặt và xấu hổ trước mặt khách! Mấy đứa đùa giỡn quá đáng! Thật là quỷ phá nhà chay ! Nằm xuống !
Đứa học trò “lớp tư” đầu tiên nằm sấp xuống đưa mông đít lên, một tiếng roi rít xé gió : “Chát!”, đứa học trò nầy đứng lên vò mông đít …. bỏ chạy vào lớp, từng đứa và từng đứa đều nhận một roi mây trước khi vào lớp. Dì Út vừa quất xong học sinh nam “lớp nhứt”, theo thứ tự đến phần học sinh nữ đã thấy có một số sắp khóc, có đứa đã sụt sịt thì bà ta ngưng roi và nói:
- Lúc nãy chỉ có con trai phá lớp nên bị đòn, con gái không có tham dự thì đi vào lớp!
Một trận cười phát lên từ các đám nữ sinh và cả nhóm tranh nhau vào lớp!
Một hồi chuông thứ nhì rung lên, các lớp đều đồng thanh đọc kinh …, các sơ từ nhà chung lên lớp và bắt đầu một ngày mới tựu trường sau một trận đòn cho các nam sinh….
Tất cả chuyện này đã in sâu vào trí nhớ mà tôi không bao giờ quên được!

II. GIỜ LÊN LỚP
Chúng tôi là học sinh của trường dòng! Điều đáng nói là học theo chương trình cũ thời Pháp thuộc, Quốc văn giáo khoa thư của cụ Trần Trọng Kim được nhà trường dạy đến hết lớp ba sau đó mới được học sang chương trình mới của Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành!

Chúng tôi học mỗi ngày hai buổi trừ ngày thứ năm và chủ nhật được nhà trường cho nghỉ. Riêng thứ sáu nghỉ nửa buổi sáng để xưng tội.

Buổi sáng, sau khi đọc kinh xong, chúng tôi học Quốc văn gồm chánh tả, văn phạm, luận văn, tập viết, Pháp văn. Buổi chiều, đầu giờ sau khi chúng tôi đồng thanh đọc cửu chương là học giáo lý, toán, sử ký, địa lý, cách trí, vẽ, nhạc, thủ công, nữ công … và sau bài thánh ca chúng tôi xếp hàng ra về.

Với môn tập viết là tôi bị đòn nhiều nhất lớp, chữ viết thật xấu như chó tha gà bới, tôi bị thường véo tai, khẻ tay biết bao nhiêu lần và việc này tôi xem là một công việc thường xuyên… nhưng rồi tôi cũng đã tiến bộ vượt bậc, chữ viết đã hoàn chỉnh tuyệt đẹp và được biểu dương trong năm lớp “nhì” và lớp “nhứt” làm mình nở cả mũi !

Môn Pháp văn thật là rùng rợn! Chính khoá thì mỗi tuần học 4 tiết vào sáng ngày thứ hai và thứ bảy, tuy nhiên các soeur lại dạy kèm ngoại khoá vào cuối giờ học tổng cộng mỗi tuần học 09 tiết Pháp văn đến mức khi về nhà tôi lúc nào cũng phải lảm nhảm đọc vocabulaire và chia verbe 3 groupe trong các temps như bị “mắc thằng bố” vì sợ roi mây của các soeur, dĩ nhiên roi mây là loại giáo cụ trực quan thật sinh động, nó rất hữu hiệu cho lưng và mông của chúng tôi. (Hiii…) Trường chúng tôi là một lò khổ luyện khét tiếng trong vùng vì rèn học sinh thật là kinh khủng! Trong giờ học Pháp văn chúng tôi được quyền nói chuyện riêng nhưng phải dùng tiếng Pháp “bồi” rất buồn cười! Học đến lớp nhứt là viết và nói được những câu văn ngắn đúng văn phạm. Chúng tôi gọi nhau với tên rất Tây (dĩ nhiên là tên Thánh) và học sinh nào giỏi sẽ được nhà trường quan tâm đặc biệt, một ít các bạn học là Tây đầm lai được luyện giọng riêng như dân Paris để chuẩn bị về đất tổ quê…Tây!

Mỗi tháng một lần, các soeur xét tập học sinh, mỗi lỗi ám tả (chánh tả) là một roi, mỗi con zéro được chấm cho đáp số toán là một khẻ, không bao tập dán nhãn là một véo không phân biệt nam nữ …v.v…. Tôi may mắn không phạm các lỗi trên vì rất sợ con roi mây của các bà nhưng cũng bị khẻ tay vì tội khác là … ở dơ trời ạ! (Hiii…) Tập bị nhăn cuốn góc, vết mực loang trên giấy, chữ viết chữ số như gà bới, sách bị rách mất trang…. Cũng bị ăn roi như các bạn học của mình! (Hic)
Năm lớp ba soeur Chín khi đang xét tập thì có khách, bà ta ngưng kiểm tra và tiếp khách, đến khi khách ra về thì soeur bỏ qua và tiếp tục dạy… chỉ còn hai đứa nữa là đến tôi, thật là hú hồn! Về nhà tôi thay ngay tập mới và cố gắng giữ tập vở cho sạch …. Tuần sau soeur Chín lại tiếp tục từ đứa kế tiếp và tập của tôi còn tốt nên thoát ! (Hiiii!). [Còn khi học lớp nhì lớp nhứt lại gặp soeur Tám (Bà Bùi thị Ứng) là không bỏ qua (hic), roi mây nhỏ nhưng dài nhưng rất đau (hic)! Bị khẻ lòng bàn tay mà còn bị văng trúng hông đau thấy bà cố luôn á !

Nhưng rồi chứng nào tật nấy lại tái hiện! Sắp bị xét tập, tôi nhìn vào tập mình đã biết sẽ ăn đòn, làm thế nào để thoát đây? Tôi có nghe các anh chị bạn học lớp trên truyền kinh nghiệm, tôi rũ thêm một bạn “chí thân” lúc ấy vào giờ ra chơi đến sau hang núi giả cạnh nhà thờ, bứt một mớ rau càng cua vò ướt cả hai lòng bàn tay, chờ khô xong vào lớp chuẩn bị xét tập ! Tôi đã bị khẽ tay vì tập bị cuốn góc dơ và nhăn rách, mỗi cái khẽ “véo véo” chạm vào lòng bàn tay nghe thật đã ngứa! Ước gì bà ta khẽ mạnh thêm thì hay biết mấy (Hiii…) . Ma soeur không thấy tôi nhăn nhó gì cả mà toạ thị điềm nhiên chờ đánh như không có gì… Bà ta ngạc nhiên nói:

- Ủa…! Cái thằng nầy nó khoẻ lắm hay sao mà không thấy nó nhăn mặt mà còn cười vậy cà ? Bộ bị đòn hoài nên chai rồi phải không?

Ả đầm lai mặt trắng đầy tàn nhang rất ghét tôi, vì tôi hay chọc phá ả nên méc:

- Dạ thưa…. Hồi ra chơi nó với thằng T. ra sau núi Đức Mẹ (hang đá) bứt rau càng cua vò trét vô tay thì bị khẻ hổng đau mà còn nghe đã ngứa đó!

Cả lớp phá lên cười ha hả……

(Ối thôi rồi … thì ra thằng T.là đồ phản bạn, nó chỉ kế nầy cho đám con gái …. )
Ma soeur nhìn lòng bàn tay tôi thấy màu xanh đen lại có mùi rau càng cua liền nói:
- Ạ…. Thì ra là vậy! Hay dữ hén ! Giờ không khẽ tay mà đánh đít!
Thế là bà ta quất tôi ba roi vào mông …….
Không khí lớp học đang căng thẳng liền thay đổi đột ngột bằng một trận cười như ong vở tổ vì gần nửa lớp đều dùng phương pháp của tôi! Tất cả đều bị đánh đít! (hahaha….)


III. ƯỚC GÌ ĐƯỢC SINH SỚM HƠN TÍ....

  Vào thời tôi đi học, tuổi thật chúng tôi không đồng đều, vì đa số làm khai sanh trễ và các lý do khác nên các bạn học cùng lớp tuổi chênh lệch từ 3 đến 5 tuổi là chuyện thường, thế mà chúng tôi vẫn “mày tao mi tớ” loạn xạ … khi có mặt cô giáo (ma soeur) thì gọi nhau bằng tên, còn giờ ra chơi thì nháo nhào gọi nhau “thằng nầy con kia” nữa trời ạ!

Học đến lớp nhứt cả lớp đã biết …. cái gì gì đó của tuổi mới lớn! Các “anh” Tây lai đã thấy dấu vết đầu tiên của lông tay và râu quai nón, các “chị” đã hay thẹn thùng và hay làm dáng…. (hiii), còn tôi…(hic) vì có gien nhà nên chẳng khác gì các “anh” Tây lai có điều Tây lai thì “nó” óng ánh vàng nâu như râu bắp…còn của mình thì “nó” càng ngày càng muốn đen thành lọ nghẹ…(hic)! Nam sinh chúng tôi đã mặc quần tây dài và áo sơ mi dài tay để che giấu sự thật ! (hiii…)

Tôi rất thích môn vẽ và nhạc nhất là vẽ trang trí đẹp, được vài bạn học nữ nhờ vẽ các hoạ tiết vào quyển tập thêu may…. Khi gắn các mẫu thêu nầy vào tập được soeur cho thêm điểm lại còn đựơc bút phê Bien, Très bien…. tiếng lành đồn xa….các ả hí hửng tranh nhau đến nhờ tôi vẽ trang trí khung vải….nhiều đến nổi tôi phải hốt hết đem về nhà làm...(hiiii)! Tôi đã nhận ra một sự thật khi các cô nầy tranh chấp nhau về sự đẹp nhiều hay đẹp ít về tranh vẽ cho mỗi cô để đối chứng là tôi thiên vị mến “cô” nào nhiều hơn! Tôi đã bối rối khi một cô bạn học dưới một lớp kế bên nhà tôi cũng đem đến và nhờ vẽ dùm, cô ta nói:
- Anh Sáu!... Anh vẽ cho em với mà phải đẹp hơn của mấy “chị” a nghen!

Ôi… lần đầu tiên một bạn học không gọi tên như trong lớp mà gọi mình bằng “anh” Sáu lại xưng “em” ngọt ngào…. mình thấy làm sao ấy (?). Lúc đó hồn tôi bay bỗng tận mây xanh vì sung sướng! Thật sự tôi có đứa em trai học khác  lớp nhưng không có em gái…. Tôi cũng rất thích có em gái để mình làm anh trai …., tôi ra sức vẽ thật công phu … và tôi đã từ chối các bạn cùng lớp mà chỉ vẽ cho cô em dưới lớp nầy mà thôi! (hiiii!)

   Sau khi đậu tiểu học khoảng 3 năm đã có một số … có gia đình, trường tôi học sau nầy là một toà nhà đồ sộ nhất trong vùng vào thời điểm đó chính là trường Bồ Đề, ngôi trường được xây vào đầu năm 1.964 và tôi chính là một trong những học sinh lớp đệ thất đầu tiên nhập học ngày 15-07-1964.

Xin kể thêm một ít về tiền thân của trường Bồ Đề. Vị trí nầy trước đó là trường “Trung học Bán Công” gồm 3 phòng các lớp đệ thất đến đệ tứ. Trường không có Ban Giám hiệu mà gọi là “Ban Giáo sư”, Tập thể giảng viên gồm các giáo sư: thầy Tô Ngọc Vân dạy Văn Sử Địa, thầy Thành ( anh ruột của cô Bảy Nam - cậu của nghệ sĩ Kim Cương) dạy Pháp văn, thầy Hích dạy toán, thầy Hà dạy Anh văn, thầy Phổ dạy vạn vật , cô Khuê dạy nữ công, thầy Nam Phong dạy nhạc và các thầy cô khác…… Trường tự giải tán năm 1963 và các cựu học sinh tự chuyển sang trường Bồ Đề.
 Lớp tôi học chỉ có 3 bạn tiểu học cũ, số còn lại không biết nguyên nhân nào đã biến mất. Chúng tôi phải học một môn bắt buộc đó chính là Giáo lý có điểm và lời phê của các giáo sư họ "Thích" ghi vào học bạ cả hai kỳ đệ nhứt và đệ nhị lục cá nguyệt (học kỳ I và học kỳ II)! Theo phong cách cũ, chúng tôi học môn nầy thật sâu và chăm chỉ để được điểm trung bình và thứ hạng cao nhất nhì trong lớp, đến hết năm đệ lục thì các bạn cũ của tôi chuyển nhà về Hố Nai và chỉ còn lại một mình tôi!
Bạn học cũ không còn ai cả…. các kỷ niệm thời tiểu học đã dần dần bị thời gian vùi lấp…Các bạn học nữ mới ngày nào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) mặc áo dài trắng đội nón lá mà chúng tôi chọc ghẹo là “nấm mối” nay đã trở thành những thiếu nữ xinh đẹp không thể ngờ được! Một trong các cô “nấm mối” bị ghẻ chóc ở hai cánh tay thường giấu trong cánh tay áo chẳng dám xăn lên nay đã trắng trẽo nõn nà không có vết sẹo…. học toán thì dỡ nhưng làm thơ viết bích báo (báo tường) và môn vạn vật (sinh vật) thì giỏi ….Tôi còn nhớ những ngày cận tết, Hiệu Đoàn của nhà trường phát hành một giai phẩm xuân hàng năm, trong đó tôi cũng có vài bài được trích đăng lấy từ bích báo hàng tháng, điều nầy tôi cảm thấy vui vui, hơn nữa tôi được các bạn trong lớp bầu làm Trưởng ban Văn nghệ -Báo chí!
Một bữa cận tết, thầy Tổng giám thị đến các lớp giới thiệu đoàn phát hành giai phẩm xuân “Đinh Mùi” của trường Đại học Văn Khoa, đoàn gồm các anh chị sinh viên… Lần đầu tiên chúng tôi gặp được các anh chị nói năng thật lưu loát không thua gì thầy cô của mình, các anh chỉ thiếu cái cà vạt còn các chị thiếu hai chiếc hoa tai hột xoàn mà thôi… (hiiii)! Tôi nghĩ rằng có lẽ để bán báo cho “chạy” nên trường Đại học Văn khoa cũng đã tuyển chọn những nam thanh nữ tú nói năng hoa mỹ để bán chạy mặt hàng này… nhưng trong đoàn đã có một chị sinh viên đứng trên bục giảng nói:
- Thưa các anh chị! Trong lớp chúng ta anh chị nào là trưởng ban Văn nghệ - Báo chí ạ?

Cả lớp đều hướng về chỉ ngay tôi! Chị sinh viên giơ lên một quyển giai phẩm xuân và đến thẳng chỗ tôi ngồi nói:

- Chúng tôi đại diện cho trường Đại học Văn Khoa biếu “anh” (!) một tờ giai phẩm để kết nghĩa! Rất mong sau nầy “anh” sẽ đến trường chúng tôi để cùng nghiên cứu và học tập!

Tôi đứng lên cảm ơn và nhận lấy tờ giai phẩm trong tiếng vỗ tay của cả lớp…. Tôi cũng có phản ứng nhanh, tôi rút trong cặp lấy ngay giai phẩm xuân “Đinh Mùi” của trường mình và ngõ lời gởi tặng cho đoàn … một tràng pháo tay thứ nhì vang lên…..
Lần gặp đầu tiên này đã làm cho tôi thật nôn nao một cách “gì gì đó đó " không thể tả được, chị sinh viên nầy bỗng nhiên đẹp thêm lên một cách kỳ lạ, gần giống như cô bạn đầm lai gần nhà mà có phần đông phương huyền bí quyến rũ hơn…. tôi cảm thấy chị ta thật là đáng yêu mến, sau một cái bắt tay với chị tôi nghe cả người hình như nóng bỏng lên, những lời mời mua báo đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa mà như là tiếng chim sơn ca đang hót lãnh lót ngọt ngào giữa khu vườn đầy hoa cỏ, tôi nghĩ rằng ước gì trước kia má tôi đã sanh ra tôi ra sớm hơn vài năm thì tình hình có thể chất lượng hơn một tí ….!

IV. ĐÙA NHƯ THẬT

Năm Đinh Mùi sắp hết… chúng tôi đang là học sinh lớp đệ tam chuẩn bị thi đệ nhứt lục cá nguyệt, năm nầy là năm cuối cùng trong chương trình phổ thông của nhà trường còn học môn Giáo lý, tết cũng đã sắp đến, thầy Thích H.T. giới thiệu một quyển sách HSTBL của thiền sư Thích N.H. in từ ngoại quốc gởi về phổ biến cho chúng tôi biết, tôi đã đọc và hiểu một số vấn đề về Phật giáo đối thời sự trong nước vào lúc đó … cả những thầy cô cũng được đọc. Giáo sư LTL đã ám chỉ một số vấn đề và khuyên chúng tôi nên … ngoan ngoãn chăm học (!) trước khi tham gia vào đời (?).
Chiến tranh đối với chúng tôi xem như ở tận nơi nào đó nhưng nay tiếng súng nổ và đạn bom đã vang dội và rung chuyển đến khu vực của chúng tôi đang học tập, tôi có linh cảm không ổn về việc gì đó và có sự nghiêm trọng khác thường, lại nữa một số học sinh trong trường đã bắt đầu viết lưu bút nội dung gần như có sự từ giã mái trường, tôi cũng tham gia viết lưu bút … Một cô bạn học dưới tôi một lớp tuy học khác buổi cũng cố gặp tôi xin ghi lưu bút… Ô… thì ra chính là cô bạn học chung tiểu học ngày xưa có nhà kế bên đã dời nhà ….. từ mấy năm trước, cô ta học khác buổi, thảo nào tôi không gặp! Chúng tôi rất mừng … cô ta nói:
- Anh Sáu viết cho em vài hàng lưu bút làm kỷ niệm, trưa mai em nhận lại được không ?
- Đồng ý ngay, nhưng anh viết chậm lắm a… phải vài ngày mới được !
- Sao anh viết chậm vậy?
- Anh còn phải phụ giúp ngoài tiệm của ba má và còn lo cho bầy heo gà trong nhà….
- Hiii…. Anh mà cũng biết nuôi heo gà à? Em hổng tin.
- Thiệt mà…. Khi nào em về …. ở nhà anh thì sẽ biết !
- Quỷ anh nè ! Khi không ai mà dám về ở nhà anh!
- Anh rước mà ...Hiii ……….
Tuy vậy tôi cũng viết xong trong đêm và trưa hôm sau tôi về hơi chậm để chờ lớp nàng tập trung trao lại và đồng thời tôi cũng gởi quyển lưu bút của mình cho nàng viết và nói:
- Em viết cho anh cũng vài hàng lưu bút nghen, và trưa mai anh nhận lại!
- Được, nhưng mà em cũng viết chậm lắm vì còn phải giúp ba má em bán phở và cũng nuôi gà vịt sau nhà!
- Hiii….. Nói sao mà giống chuyện ngày hôm qua dữ vậy ? Sao hổng có thêm con heo bò gì đó?
- Hi… bò thì có nhưng chỉ thịt và xương hà, còn heo nuôi cực lắm, ba má em hổng có nuôi đâu á!
- Biết đâu sau nầy em về làm dâu cho chủ trại chăn nuôi heo thì sao?
- Hiii… Quỷ anh nè! …
Cô ta nhận quyển lưu bút của tôi và cả mấy ngày tôi chờ mãi chẳng xong, tôi bỏ luôn cả tuần chẳng đề cập đến ...., và một hôm cô ta đi học sớm hơn thường lệ, tôi vừa ra khỏi lớp thì nhận được quyển lưu bút, tôi vội vàng nhét vào cặp, chiều đó tôi mở ra xem cô ta viết gì , bất ngờ trong đó có một lá thư!
Tôi rất thận trọng coi lúc cả nhà đi vắng còn một mình, tôi lại thêm một lần bối rối vì một lời đề nghị… thực sự tôi đã bị nàng tấn công! Bức thư viết :
“Anh Sáu thân thương quý mến!
Hôm nay em đường đột viết thơ nầy gởi đến anh, nếu có gì không phải xin anh xem như chưa đọc nghen.
Ngày hôm qua sau khi về nhà, em nhớ lại những lời nói của anh, em suy nghĩ rất nhiều về tương lai sau nầy, em muốn những lời nói của anh là sự thật, anh phải thực lòng với em nghen,  em thấy anh rất hiếu thảo với ông bà và hai bác, với anh chị em trong nhà cũng  thật hòa thuận, rất chăm học và cũng lo việc làm trong  nhà,  anh thật xứng đáng  là một chính nhân quân tử trượng phu, em rất mong sau nầy sẽ cùng anh xây dựng cuộc đời tốt đẹp bằng chính sức lực của chúng mình.
Em cũng như anh là  đã cùng  học được điều hay lẽ phải từ trường đạo Chúa và Phật nên rất hiểu ý nhau. Lúc trước bác gái có nói với mẹ em là sau nầy các con cháu tùy ý chọn lựa, đạo ai nấy giữ……………..”
Tôi đọc mà muốn xuất hạn …, tòan thân chấn động , tôi im lặng không đề cập đến và chưa trả lời vội….. Đấy chính là bức thư cuối cùng tôi còn giữ đến nay và đốt ngay khi viết xong bài nầy. Sau khi trường tổ chức liên hoan tất niên chuẩn bị đón xuân, chúng tôi được nghỉ tết …
Giao thừa năm đó chúng tôi ăn tết trong sự sợ hãi đầu tiên trong đời, chúng tôi đã thấy máu lửa cũng như sự chết ngay trước mắt mình đó là tết Mậu Thân 1968, chúng tôi nghỉ tết trong thời gian dài gần một tháng và khi trở lại học thì một số thầy cô và bạn học không còn thấy nữa…..

 ( Yahoo, 2008)
    Phantran

*******************************************************


     
    

1 nhận xét: